Dinh dưỡng trong tiêu chảy cấp và tả
Ngày đăng: 25/04/2010
Lượt xem: 11808
Bệnh tiêu chảy cấp đang tăng cao, đặc biệt những ngày gần đây, con số bệnh nhân bị tả đang tăng dần lên, nhiều nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh làm cho các cơ quan y tế và người dân đều lo lắng. Những biện pháp phòng chống dịch và điều trị bệnh đã được nhanh chóng triển khai.
Bệnh tiêu chảy cấp đang tăng cao, đặc biệt những ngày gần đây, con số bệnh nhân bị tả đang tăng dần lên, nhiều nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh làm cho các cơ quan y tế và người dân đều lo lắng. Những biện pháp phòng chống dịch và điều trị bệnh đã được nhanh chóng triển khai.
Tiêu chảy cấp có thể do virus, vi trùng, độc tố của các vi sinh vật…gây ra rối loạn hấp thu và bài tiết nước, điện giải tại ruột. Do đó, hậu quả là gây ra mất nước, mất Na, K, tổn thương niêm mạc ruột dẫn đến suy dinh dưỡng, xâm nhập của tác nhân gây bệnh và vi khuẩn khác trong đường ruột gây ra nhiễm trùng lan rộng trong cơ thể. Đa số tác nhân gây ra bệnh tiêu chảy và bệnh tả xâm nhập cơ thể và lây lan theo con đường phân- miệng, nghĩa là nguồn bệnh vào cơ thể từ miệng, theo phân của bệnh nhân thải ra môi trường và tiếp tục lây sang bệnh nhân khác theo con đường này. Vai trò của dinh dưỡng đúng cách trong tiêu chảy cấp và bệnh tả là bù đủ nước, muối khoáng, tiếp tục cung cấp dưỡng chât cho cơ thể để mau lành bệnh và quan trọng nhất, đó là phòng bệnh.
Để phòng ngừa bệnh, các biện pháp vệ sinh ăn uống đóng vai trò quan trọng nhất. Những bệnh nhân mắc tả gần đây sống ở trên ghe thuyền và thải chất thải trực tiếp xuống sông rạch là nguy cơ lây lan rất lớn trong cộng đồng. Các vi sinh vật gây bệnh tiêu chảy cấp và vi khuẩn tả có trong nguồn nước sinh hoạt, trong các động vật thủy sinh (cá, tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến…) và những loại rau trồng dưới nước (rau muống, rau cần…). Nếu sử dụng nước bị nhiễm nguồn bệnh như vậy để uống hay rửa, chế biến thức ăn, hoặc ăn phải thức ăn có mang tác nhân gây bệnh thì sẽ mắc bệnh và làm lây lan ra xung quanh. Rất nhiều người không biểu hiện bệnh nhưng có mang tác nhân gây bệnh tiêu chảy trong ruột và vẫn thải nguồn bệnh ra môi trường (người lành mang mầm bệnh). Do đó, mọi người cần có ý thức vệ sinh tốt, không đi cầu xuống kênh rạch…để giảm lây lan. Để bảo vệ mình, cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn bán rong ngoài đường phố. Các trường hợp mắc tả gần đây đều do ăn hàng bán rong ngoài đường.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ CDC đưa ra lời khuyên cho các khách du lịch đi đến vùng có nguy cơ bệnh tiêu chảy cấp và bệnh tả cao như sau: “ Hãy đun sôi, nấu chín, gọt vỏ, còn không thì đừng ăn”("Boil it, cook it, peel it, or forget it").
Chúng ta có thể tham khảo những lời khuyên này:
- Chỉ uống nước đun sôi hay đã xử lý bằng chlo hay iod.
- Trà và cà phê phải pha bằng nước đun sôi, uống nước có gas hay nước giải khát không dùng đá.
- Chỉ ăn các thức ăn phải được nấu chín và ăn khi còn nóng, chỉ ăn trái cây do chính mình gọt vỏ.
- Không ăn cá và hải sản tái.
- Không ăn rau sống và salad.
- Không ăn uống ở lề đường.
Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Với chế độ ăn vệ sinh, hợp lý và cung cấp đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp cơ thể có khả năng chống lại nhiều loại bệnh tật.
Đăng bởi: BSCK2 Nguyễn Thị Thu Hậu (Khoa dinh dưỡng)
Các tin khác
Giúp trẻ phát triển chiều cao 29/02/2024
Chế độ dinh dưỡng ngày Tết mùa Covid 02/02/2022
Các loại sữa dành cho trẻ non tháng 06/02/2020
Chế độ ăn cho trẻ sinh non có gì đặc biệt 29/01/2020
Dinh dưỡng cho trẻ ngày nắng nóng 21/02/2019
Dinh dưỡng ngày Tết và những điều cần lưu ý 06/02/2019