Ứng dụng nội soi ổ bụng trong tạo hình cho trẻ dị dạng hậu môn trực tràng
Ngày đăng: 06/02/2011
Lượt xem: 10059
Các bác sĩ tại đại học y khoa Kyoto Nhật Bản vừa công bố nghiên cứu mới nhất về ứng dụng nội soi ổ bụng trong tạo hình hậu môn trực tràng ở những trẻ dị dạng hậu môn trực tràng dạng cao trong tạp chí JPS (Journal of Pediatric Surgery) vào tháng 8 năm 2010.
Dị dạng hậu môn trực tràng là một dị tật thường gặp ở trẻ em ở khoảng 1/5000 trẻ, một vài trường hợp có liên quan đến di truyền trong gia đình. Gặp nhiều ở trẻ em trai hơn nhưng không thật sự ưu thế.
Dị dạng hậu môn trực tràng được phân loại thành 3 dạng dựa trên khoảng cách túi cùng trực tràng với di tích hậu môn. Phần lớn dị dạng hậu môn trực tràng có dò tiền đình ở trẻ gái và dò niệu đạo ở trẻ trai.
Điều trị triệt để dị dạng hậu môn trực tràng là phải phẫu thuật tạo hình hậu môn. Có 2 phương pháp mổ phổ biến trong tạo hình hậu môn. Phương pháp tạo hình hậu môn ngã dọc sau theo tác giả Pena và phương pháp tạo hình hậu môn ngã bụng.
Phương pháp tạo hình hậu môn ngã dọc sau (Atlas pediatric surgery 2006)
Năm 1982 Pena và các đồng nghiệp đã chứng minh tạo hình ngã dọc sau có nhiều ưu điểm hơn ngã bụng. Tuy nhiên sau đó một số tác giả như Mulder 1995 và Bliss 1996 so sánh giữa hai phương pháp này thấy không khác nhau về chức năng đi tiêu sau mổ.
Gần đây việc tạo hình hậu môn qua ngã bụng đang được chú ý sau khi tác giả Georgeson ứng dụng nội soi ổ bụng trong tạo hình hậu môn năm 2000. Các tác giả khác như Kudo, Yang công bố các kết quả nghiên cứu chứng minh rằng ứng dụng nội soi ổ bụng trong tạo hình hậu môn có kết quả tốt hơn tạo hình qua ngã dọc sau vì tránh làm tổn thương đám rối thần kinh quanh và trong cơ mu trực tràng có vai trò quan trọng trong đi tiêu.
Trong nghiên cứu này, các tác giả Nhật Bản không nhằm mục đích so sánh phương pháp nào tốt hơn mà nhằm trả lời câu hỏi nội soi ổ bụng có giá trị như thế nào trong tạo hình dị dạng hậu môn trực tràng thể cao.
Phương pháp nghiên cứu: Đoàn hệ hồi cứu. Các tác giả phân tích 28 trường hợp dị dạng hậu môn trực tràng được phẫu thuật từ năm 1997 đến năm 2009. Trong đó 15 trường hợp được tạo hình bằng ngã dọc sau và 13 trường hợp qua nội soi ổ bụng.
Kết quả là:
Về lượng máu mất trong lúc phẫu thuật thì đối với tạo hình hậu môn ngã bụng không ứng dụng nội soi trung bình là 65±44g, có ứng dụng nội soi là 12±11g (P=0,003)
Sa niêm mạc trực tràng sau mổ khi mổ hở là 10/15(67%), trong mỗ nội soi không gặp trường hợp nào(P=0,003).
Về các giá trị khác như áp suất trong ống hậu môn sau mổ, Xquang đại tràng cản quang thì hai phương pháp khác nhau không có ý nghĩa.
Như vậy dị dạng hậu môn trực tràng là một dị dạng thường gặp. Có hai cách tiếp cận trong phẫu thuật là đường mổ ngã dọc sau, hoặc ngã bụng.
Các tác giả Nhật công bố kết quả nghiên cứu cho thấy tiếp cận qua đường nội soi ổ bụng giúp giảm lượng máu mất và nguy cơ sa trược tràng sau mổ.
Đăng bởi: Bs Vương Minh Chiều
Các tin khác
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 5 / 2013 21/08/2013
THÔNG TIN THUỐC THÁNG 6 / 2013 21/08/2013