Bệnh sợ giao tiếp?
Ngày đăng: 28/05/2011
Lượt xem: 28663
Câu hỏi:
Em khi ra trước đám đông hay bị hồi hộp, đỏ mặt. Có đôi khi em nói chuyện với bạn bè mặt cứ đỏ. Giờ em cảm thấy rất ngại khi giao tiếp với mọi người vì em mặt đỏ khi nói chuyện. Em đọc báo cũng thấy triệu chứng của em là bệnh tâm lý. Xin tư vấn giúp em không ạ?
T.Q.T
Trả lời:
Ai cũng có lúc hồi hộp lo sợ khi sắp phải ra trước đám đông nói chuyện hay sắp tham dự một cuộc phỏng vấn khi đi tìm việc. Nhưng đối với một số người, ngay cả những gặp gỡ thông thường trong xã hội như dự một buổi tiệc hay gặp một người lạ, cũng có thể khiến cho họ bị sợ hãi và cố tìm cách trốn tránh.
Trong thư bạn không nói rõ bạn bao nhiêu tuổi? Bạn phát hiện ra mình bị đỏ mặt, hồi hộp trước đám đông từ lúc nào? Triệu chứng trên chỉ xuất hiện khi bạn phải phát biểu trước 1 đám đông hay là ngay cả một vài bạn bè cũng có thể làm bạn sợ hãi giao tiếp?
Bệnh sợ giao tiếp có những triệu chứng như sau:
- Đỏ mặt.
- Ra mồ hôi nhễ nhại.
- Tay chân hay người run rẩy.
- Buồn nôn.
- Bao tử khó chịu.
- Nói không ra lời.
- Nói lắp bắp.
- Bắp thịt căng cứng.
- Lẫn lộn.
- Hồi hộp, tim đập nhanh.
- Đi tiêu chảy.
- Tay lạnh ướt.
- Tránh nhìn mắt người khác.
Ngoài ra những yếu tố khác như: tự ti mặc cảm, rụt rè không dám đòi hỏi quyền lợi, nghĩ những ý nghĩ tiêu cực, không chịu nổi lời người khác phê bình, không biết cách giao tiếp trong xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng sợ giao tiếp và ảnh hưởng lẫn nhau bao gồm yếu tố di truyền và hoàn cảnh.
Nếu bạn chỉ hơi nhút nhát trong đám tiệc hay lo lắng khi phải nói chuyện trước đám đông không có nghĩa là bạn mắc bệnh sợ giao tiếp. Nếu có lo lắng hay sợ đôi chút nhưng bạn vẫn làm tròn nhiệm vụ, bạn không cần phải được chữa trị. Trái lại, nỗi lo lắng sợ hãi nặng hơn nhiều và kéo dài lâu hơn khiến cuộc sống bị cản trở và tâm hồn bị xao động thì bạn nên đến gặp Bác sĩ tâm thần hoặc chuyên viên tâm lý tại bệnh viện để được khám và điều trị thích hợp.
Ngoài việc được chữa trị bởi các bác sĩ chuyên môn, những cách sau đây cũng có thể giúp bạn bớt đi phần nào nỗi lo sợ triền miên. Bạn nên nhận ra những tình huống xã hội nào mình thường sợ và tránh né rồi áp dụng những cách này vào đó. Luyện tập những cách này thường xuyên. Có thể bắt đầu bằng những chuyện nho nhỏ, thí dụ như những lời chào hỏi thông thường hằng ngày.
- Ngồi ăn nơi công cộng với người thân, bạn hay người quen.
- Nhìn thẳng vào mắt và nói lời chào trả lại khi có người chào hỏi mình, hoặc làm người đầu tiên mở miệng chào hỏi.
- Sửa soạn sẵn những chủ đề mình muốn nói tới. Đọc báo, đọc sách để tìm những đề tài thời sự để có chuyện nói.
- Khen một người nào đó. Chú ý tìm chuyện đẹp, tốt của họ để khen một cách thành thật.
- Nhận biết những tính tình đẹp của mình.
- Chú ý tới người khác. Hỏi thăm họ về nhà cửa, con cái, chuyện du lịch, thú giải trí... của họ.
- Hỏi đường đi từ một người lạ.
- Không nghĩ những ý nghĩ tiêu cực về mình.
- Tập thư giãn, tập kỹ thuật tránh căng thẳng.
- Tiếp xúc thường xuyên với những người mà bạn cảm thấy thoải mái khi ở gần.
- Gia nhập một nhóm hỗ trợ.
- Ngủ đủ, ăn thức ăn tốt khỏe mạnh.
- Đặt ra những mục tiêu nho nhỏ có thể thực hiện được.
Chúc bạn sẽ tự tin hơn
Thân mến.
Trả lời bởi: Kiều Thanh Hà-Chuyên viên tâm lý
Các tin khác
Các dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ 05/02/2016
Chậm phát triển trí tuệ 05/05/2015
Không biết là bé có bị tự kỷ không ? 04/05/2015
Càng lớn bé càng ít nói và hay cáu giận 27/03/2015
36 tháng nhưng bé vẫn chưa nói được nhiều? 25/03/2015