Khi ngủ bé thường hay lăn lộn, có phải do thiếu canxi ?
Ngày đăng: 18/09/2011
Lượt xem: 36859
Câu hỏi:
Kính thư bác sĩ ! Cháu của em đã 30 tháng tuổi, cháu cao 92cm và nặng 14.5kg .Cháu đã đi học được 1 năm nay. Từ nhỏ cho đến bây giờ cháu lúc nào cũng không bao giờ chịu ngồi yên cả, lúc nào cũng đi và chạy không thui. Buổi tối cháu thường thức giấc ( có lúc khóc, có lúc thì đạp vào giường đùng đùng, lăn lộn và cháu còn thức giấc một khoảng thời gian khá lâu rồi mới ngủ lại ).Em có dẫn cháu đi khám và bác sĩ nói cháu do thiếu canxi, ở nhà mỗi tháng em có cho cháu uống khoảng 5 ống Canxi Corbiere và uống thuốc canxi nữa nhưng cũng lâu rùi mà tình trạng cũng không thuyên giảm. Không biết là cháu có bệnh gì không ạ? Qua một bài báo em được biết có bệnh là " chân không yên " không biết em muốn dẫn bé đi khám thì sẽ khám ở đâu. Xin bác sĩ có thể giải đáp thắc mắc của em được không ạ. Em xin chân thành cảm ơn, và mong nhận được giải đáp từ bác sĩ.
Trả lời:
Chào Chị
Con của chị 30 tháng, cân nặng 14,5 kg, chiều cao 92 cm, vì Chị không nói rõ là cháu trai hay gái nên Tôi đưa ra chuẩn của bé lúc 30 tháng tuổi : của bé trai, chuẩn là 13,3 kg, chiều cao 92 cm, của bé gái là : 12,7 kg, chiều cao là 90,7 cm. Vậy con của chị chiều cao và cân nặng phát triển tốt.Thuốc calci corbier 10ml chứa lượng calcium trong mỗi ống là 90mg, ống hàm lượng 5ml thì lượng calcium là 45mg, với nhu cầu hàng ngày của trẻ nhỏ vào khoảng 300 - 600 mg/ ngày, thường được dùng để bổ sung calcium hàng ngày chứ trong điều trị thì cần liều cao hơn. Vì vậy, bổ sung calcium cho cháu với liều lượng như vậy vẫn chưa đủ nhu cầu nếu cháu không được cung cấp đầy đủ Calcium từ sữa và thức ăn...Calcium có trong sữa và trong những thực phẩm khác như cua đồng, rạm tươi, tép khô, mè đen, nấm mèo, cần tây...Ngoài ra thiếu vitamin D cũng làm chậm quá trình hấp thu calcium.
Chứng chân không yên (restless legs syndrome – RLS), còn gọi là hội chứng Wittmaack-Ekbom, là một tình trạng trong đó bệnh nhân có nhu cầu cử động một phần cơ thể, nhu cầu này không thể cưỡng lại được, nếu để yên sẽ có cảm giác rất khó chịu. Bệnh thông thường biểu hiện ở chân nhưng cũng có thể ở tay hoặc thân mình, cử động giúp cho bệnh nhân tạm thời cảm thấy dễ chịu. Cảm giác khó chịu ở chân (hoặc đôi khi ở tay) thường được mô tả là nhức mỏi, buồn bực, kiến bò, giun bò, châm chích… trong cơ bắp. RLS có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. RLS nguyên phát là không có nguyên nhân rõ rệt, thường khởi đầu trước tuổi 40 – 45 và có thể rất sớm, thậm chí lúc mới 1 tuổi. Bệnh thường nặng lên khi nhiều tuổi. Nếu ở trẻ em thì thường bị chuẩn đoán nhầm là đau nhức chân do đang lớn. RLS thứ phát thường khởi đầu tương đối đột ngột, bệnh nhân có thể bị hàng ngày ngay từ khi mới bắt đầu bị bệnh, rất hay liên quan đến một bệnh nội khoa nào đó hoặc một thứ thuốc....
Con chị có biểu hiện hiếu động nhiều hơn là bị hội chứng này, tuy nhiên cần thăm khám bé trực tiếp mới xác định được bệnh chính xác. Bé quá hiếu động thường cũng có giấc ngủ không sâu.
Để được tư vấn và thăm khám kỹ hơn, Chị có thể đưa cháu đến Bệnh Viện Nhi Đồng 2, kiểm tra về thần kinh, tâm lý và dinh dưỡng.
Thân ái.
Trả lời bởi: BS.CK1.Nguyễn Thị Tuyết Dung - Khoa Dinh dưỡng
Các tin khác
Trẻ càng lớn tốc độ tăng cân sẽ chậm lại 18/03/2016
Bé ho lâu và uống nhiều thuốc có sao không? 18/01/2016
Bé ngủ giấc không sâu ? 20/02/2015
Da mặt bé bị nổi mụn li ti trên mặt 17/02/2015
Sữa cũng không làm thức ăn hấp thu tốt hơn 23/10/2014
Khác nhau của vaccin 5 trong 1 và 6 trong 1 06/10/2014