Hẹp bao qui đầu, khi nào cần cắt?
Ngày đăng: 06/02/2014
Lượt xem: 21324
Câu hỏi:
Con tôi năm nay được 28 tháng, đi khám và được biết bé bị hẹp bao qui đầu. Bác sĩ chỉ định cho nong qui đầu, hướng dẫn nong ở nhà và cho về. Về nhà tôi có thử nong cho bé nhưng rất khó do bé không hợp tác và cũng sơ bé đau. Tôi rất muốn cắt bao qui đầu cho bé để bé chỉ đau 1 lần thôi và dễ vệ sinh nhưng bác sĩ nói là chưa cần thiết, cứ nong dần dần là bé sẽ tự tuột được. Tôi muốn hỏi da qui đầu như bé là khi nào mới cắt được?
Trả lời:
Anh/chị Minh thân mến,
Một số trẻ được cha mẹ đưa đi khám bao qui đầu và cũng gặp các thắc mắc như anh/chị. Chúng tôi có 1 số ý kiến về vấn đề này như sau:
Bao qui đầu là 1 vòng da bao quanh qui đầu, có tác dụng che chở bảo vệ qui đầu. Nhưng khi bao qui đầu này quá hẹp gây cản trở quá trình đi tiểu của bé thì có chỉ định nong bao qui đầu hoặc cắt bao qui đầu.
Nong bao qui đầu là từ thường dùng ở bệnh viện chỉ việc làm rộng bao qui đầu cho bé để làm vệ sinh và giúp bé đi tiểu dễ dàng hơn.
Trẻ dưới 2 tuổi, bao qui đầu có hiện tượng hẹp sinh lí không cần nong tại bệnh viện, người nhà chỉ cần tuột nhẹ bao qui đầu về phía sau để trẻ đi tiểu dễ dàng hơn . Nhưng những trường hợp hẹp quá khít khiến bé tiểu phải rặn mạnh, la khóc khi đi tiểu thì nên nong để lỗ tiểu rộng ra 1 chút giúp bé đi tiểu dễ dàng hơn. Quá trình này làm tại bệnh viện, có thể có xịt thuốc tê tại chỗ trước khi nong để bé bớt đau nếu bao qui đầu của bé hẹp quá khít. Quá trình nong diễn ra khoảng 3-5 phút, rất nhẹ nhàng và ít đau, tuy nhiên 1 số trẻ có bao qui đầu quá hẹp thì khi nong có thể bao qui đầu của bé sẽ rướm máu và đau nhiều hơn. Sau nong bác sĩ sẽ cho thêm thuốc giảm đau và thuốc thoa (là thuốc kháng viêm tại chỗ) giúp bé bớt đau nhanh nên các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng .
Những trường hợp bé quá lớn kèm theo da qui đầu xơ chai, hẹp quá khít thì không nên nong vì kết quả hạn chế, dễ làm chảy máu da qui đầu. Nhưng trường hợp này nên cắt bao qui đầu. Tuy nhiên, chỉ định cắt bao qui đầu cũng cần cân nhắc vì không phải trường hợp nào sau cắt bao qui đầu đều ổn. Phẫu thuật lúc nào cũng có những biến chứng riêng như sẹo xấu sau cắt, chảy máu da qui đầu, nhiễm trùng vết mổ..
Vì vậy tùy theo tính chất của bao qui đầu mà bác sĩ sẽ lựa chọn biện pháo xử trí tối ưu. Con chị 28 tháng, tuổi còn khá nhỏ và da qui đầu bé còn mềm mại, vệ sinh da qui đầu và tự nong là biện pháp tối ưu.
Nếu anh/chị vẫn còn thắc mắc và băn khoăn về vấn đề này, anh/chị có thể cho bé tái khám vào chiều thứ 5 hàng tuần lúc 13g tại phòng khám số 11 để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn rõ hơn.
Trả lời bởi: BS.CK1 Trương Anh Mậu, khoa ngoại
Các tin khác
Gãy xương lồi cầu ngòa 14/05/2016
Phẫu thuật lõm ngực 12/05/2016
Nhọt tụ mủ vùng da đầu 11/05/2016
Rốn lồi và khối phồng ở bẹn ở trẻ 2 tháng 09/05/2015
Bé 5 tháng tia tiểu nhỏ hơn lúc trước 07/05/2015
Tinh hoàn ẩn 2 bên ở trẻ 8 tháng 04/05/2015