Phình Niệu Quản Bẩm Sinh: Một Phương Pháp Điều Trị Hoàn Toàn Mới
Ngày đăng: 25/04/2019
Lượt xem: 11356
Khoa Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2, dưới sự chỉ đạo và trực tiếp tham gia của Ts.Bs Phạm Ngọc Thạch-Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cùng ekip phẫu thuật gồm: Bs Nguyễn Đình Thái, Ths.Bs Lê Nguyễn Yên-Giảng viên bộ môn Ngoại Nhi ĐHYD Tp.HCM và Ths.Bs Phan Lê Minh Tiến, đã tiến hành phẫu thuật thành công cho một trường hợp bé gái (Trần Thị D.)16,5 tháng tuổi được chẩn đoán là phình niệu quản hai bên tắc nghẽn bẩm sinh
Phình niệu quản (megaureter) không phải là một chẩn đoán mà chỉ đơn thuần là mô tả một niệu quản lớn. Cũng như một bể thận, kích thước niệu quản lớn không luôn luôn có ý nghĩa là bất thường về phương diện chức năng.
Một niệu quản bình thường có khả năng chuyển dòng nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang hiệu quả với một áp suất thấp. Sự hiệu quả của nhiệm vụ này tùy thuộc vào nhu động của thành niệu quản để đẩy dòng nước tiểu. Những yếu tố khác ảnh hưởng đến sự vận chuyển của niệu quản là thể tích nước tiểu và áp lực bàng quang.
Phình niệu quản do tắc (obstructed megaureter): sự tắc nghẽn là do nguyên nhân nội tại, tức là hẹp nguyên phát của đoạn niệu quản xa (còn gọi là khúc nối niệu quản-bàng quang), hiếm khi hẹp do nguyên nhân ngoại lai như bướu, sẹo/xơ hóa. Hầu hết các trường hợp là do hẹp nguyên phát ở khúc nối niệu quản-bàng quang.
A. Hình chụp hệ niệu cản quang qua đường tĩnh mạch (IVU) của bé D.
Chỉ định phẫu thuật:
- Trên xạ hình thận, chức năng thận có niệu quản dãn kém hơn 35% chức năng chung.
- Chất đánh dấu còn đọng lại trên xạ hình thận sau khi chích lợi tiểu, trong khi bên đối diện đã thải bình thường.
- Ứ nước thận và niệu quản nặng gây ép mỏng chủ mô thận.
- Cao huyết áp, tiểu máu, nhiễm trùng hay đau là thứ phát của phình niệu quản.
- Sỏi.
- Kích thích niệu quản không thay đổi sau một thời gian theo dõi.
- Nhỏ hơn 1 tuổi:
Trong mọi trường hợp, không cắm niệu quản vào bàng quang ở trẻ nhỏ hơn 1 tuổi. Lý do được nêu ra là khó khăn về kỹ thuật và nhất là có thể gây són tiểu về sau do tổn thương thần kinh khi phẫu tích ở gần cổ bàng quang. Tạm thời mở niệu quản ra da. Chờ đến khi bệnh nhi lớn hơn 1 tuổi sẽ cắm lại niệu quản vào bàng quang.
- Lớn hơn 1 tuổi:
Kỹ thuật
- Cắm lại niệu quản theo Cohen (thường được sử dụng hơn) hoặc Politano-Leadbetter.
Hiện nay trên thế giới có nhiều phương pháp điều trị phình niệu quản do tắc nghẽn bẩm sinh, trong đó xu hướng phẫu thuật xâm lấn tối thiểu ngày càng được chú trọng.
Tại hội nghị thường niên IPEG (International Pediatric Endosurgery Group) - một trong những hội nghị hàng đầu thế giới về phẫu thuật nội soi ở nhi, được tổ chức lần thứ 28 tại Chile từ ngày 20-22/3/2019 đã giới thiệu đến thế giới phẫu thuật cắm lại niệu quản vào bàng quang bên-bên qua nội soi (Laparoscopic latero-lateral uretero-bladder anastomosis).
Vào lúc 11g30 24/4/2019, tại Khoa Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2, dưới sự chỉ đạo và trực tiếp tham gia của Ts.Bs Phạm Ngọc Thạch-Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cùng ekip phẫu thuật gồm: Bs Nguyễn Đình Thái, Ths.Bs Lê Nguyễn Yên-Giảng viên bộ môn Ngoại Nhi ĐHYD Tp.HCM và Ths.Bs Phan Lê Minh Tiến, đã tiến hành phẫu thuật thành công cho một trường hợp bé gái (Trần Thị D.)16,5 tháng tuổi được chẩn đoán là phình niệu quản hai bên tắc nghẽn bẩm sinh (bên trái nặng hơn bên phải).
B. Vị trí vào trocar để thao tác trong lúc phẫu thuật.
Đây là trường hợp đầu tiên được áp dụng kỹ thuật mới này tại Khoa Niệu Bệnh Viện Nhi Đồng 2 Tp.HCM. Với kết quả khả quan bước đầu mang lại, trong tương lai phương pháp này sẽ được sử dụng một cách rộng rãi hơn.
video phẫu thuật https://www.youtube.com/watch?v=0c9elZfV7fA&t=15s
Đăng bởi: bs Nguyễn Hiền (phòng chỉ đạo tuyến)
Các tin khác
Cảnh giác chấn thương thận kín ở trẻ em 12/07/2023
Tắc ruột vì 14/01/2021