Nhiều bệnh nhi nhập viện cấp cứu do nổ pháo tự chế
Ngày đăng: 03/02/2022
Lượt xem: 3882
Tự ý sử dụng pháo tự chế, nhiều bệnh nhi nhập viện cấp cứu trong tình trạng bàn tay bị dập nát, tổn thương nặng nên cần can thiệp điều trị lâu dài và rất phức tạp.
Từ trước Tết Nguyên đán khoảng 3 tuần đến nay, bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận 5 trường hợp bệnh nhi sử dụng pháo tự chế và nổ ngay trên bàn tay cầm pháo, gây tổn thương nghiêm trọng đến chức năng của bàn tay.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi nam (15 tuổi, ngụ ở Bình Thuận) nhập viện cách đây khoảng 3 tuần trong tình trạng bàn tay cầm pháo bị nát gần như hoàn toàn, lộ xương. Cụ thể, ngón 2 mất hoàn toàn, ngón 3 dập nát và ngón 1,4,5 cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo chia sẻ của gia đình, do hiếu kỳ và không biết bé học được cách tự chế pháo ở đâu nên đã mày mò tự làm pháo, khi chưa kịp vứt pháo ra xa thì đã nổ ngay trên tay. Sau đó, gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhi đi cấp cứu.
Sáng ngày hôm nay (3.2), bệnh nhi được phẫu thuật tiếp tục cắt bỏ những phần da bị hoại tử, cố gắng bảo tồn bàn tay tối đa.
BS CKI Nguyễn Thị Ngọc Ngà – Khoa Bỏng – Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Trường hợp này nhập viện rất nặng, đa phần chức năng tay không giữ được. Trong quá tình điều trị chúng tôi phải lọc cắt những phần mô hoại tử, nuôi cấy, đắp xương dần dần. Tiên lượng những ca này điều trị rất lâu, vất vả mà hiệu quả phục hồi chức năng vận động tay không cao”.
Trường hợp thứ hai được nhắc đến là nam bệnh nhi 14 tuổi, ngụ ở tỉnh Lâm Đồng. Nhập viện trong tình trạng bàn tay bị pháo tự chế nổ, may mắn bệnh nhi chỉ bị thương phần mềm, bỏng ở một phần đùi chân trái và một phần mặt. Các bác sĩ tiến hành xử lý vết bỏng, giúp bệnh nhân phục hồi những phần da bị tổn thương.
Khoảng 2 năm trở lại đây năm nào Khoa Bỏng – Chỉnh hình cũng tiếp nhận những bệnh nhi nhập viện vì đốt pháo tự chế. Đặc biệt, năm nay số lượng bệnh nhân tăng nhiều, hầu hết rơi vào những bệnh nhi từ 10 tuổi trở lên.
Các bác sĩ khuyến cáo, pháo là trò chơi nguy hiểm nên trong trường hợp không cần thiết thì không nên chơi. Nếu trẻ nhỏ tò mò thích chơi thì cũng nên có sự giám sát của người lớn và đọc hướng dẫn sử dụng trước khi đốt. Tuyệt đối không tự chế pháo vì nguy cơ xảy ra rủi ro rất cao, khả năng phục hồi vận động ở phần cơ thể bị pháo nổ rất thấp.
BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà - Khoa Bỏng Chỉnh Hình bv Nhi Đồng 2
Đăng bởi: Thúy Nguyễn
Các tin khác
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em 16/06/2024
Xử trí đúng trong sơ cứu đuối nước ở trẻ em 12/08/2023