Bạn làm gì khi bé đi tiêu phân có máu ?
Ngày đăng: 02/03/2011
Lượt xem: 459907
Phát hiện máu trên phân của trẻ có thể là một điều đáng sợ. Tuy nhiên, đây là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ em và thường là không nghiêm trọng. Có nhiều nguyên nhân có thể gây nên tình trạng phân có máu và tùy thuộc vào từng mức độ tuổi của trẻ. Nhân viên y tế có thể giúp xác định nguồn gốc của máu và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất. Bài viết này sẽ xem xét một số nguyên nhân phổ biến của tình trạng phân có máu và các xét nghiệm có thể được sử dụng để đánh giá tình trạng của trẻ.
Đưa trẻ đến khám bác sĩ khi nào?
Hầu hết trẻ em bị chảy máu vi thể ở trực tràng không có bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, không thể biết được nguyên nhân gây chảy máu trực tràng mà không cần thăm khám kiểm tra. Như vậy, nếu cha mẹ nhận thấy rằng trẻ có chảy máu trực tràng, cha mẹ nên nói chuyện với bác sĩ nhi để thăm khám kiểm tra khi cần thiết.
Phân loại chảy máu trực tràng
Có hai nguồn có thể gây nên tình trạng có máu trong phân: đường tiêu hóa trên (dạ dày và ruột non) và đường tiêu hóa dưới (đại tràng, trực tràng và hậu môn).
• Chảy máu từ đường tiêu hóa trên thường gây ra phân màu đen hay hắc ín.
• Chảy máu từ đường tiêu hóa dưới thường gây ra phân bị phủ bên ngoài hoặc trộn lẫn với máu đỏ tươi.
• Một số loại thực phẩm và thuốc cũng có thể gây ra tình trạng phân giống như có máu.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể biết được nguyên nhân hoặc phân loại được chảy máu trực tràng mà chỉ dựa vào sự xuất hiện một mình triệu chứng máu trong phân. Cần phải khám kiểm tra đánh giá trên lâm sàng trong phần lớn các trường hợp.
Nguyên nhân gây chảy máu trực tràng ?
- Nứt hậu môn là một vết rách hay vết nứt ở hậu môn có thể được hình thành khi một trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ đi tiêu phân to và cứng. Vết nứt hậu môn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh cho đến trẻ ở độ tuổi đi học và thậm chí ngay cả ở người lớn.
Các triệu chứng của nứt hậu môn bao gồm: đau, căng thẳng hoặc rên la trong thời gian đi tiêu và máu đỏ tươi ở bên ngoài phân hoặc xuất hiện trên giấy vệ sinh.
Nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nứt hậu môn thường có tiền sử bị táo bón hoặc đi tiêu phân khá cứng.
- Bất dung nạp protein của sữa bò hoặc sữa đậu nành (còn được gọi là dị ứng sữa, viêm ruột do sữa, viêm trực tràng và viêm đại-trực tràng do protein) là một bệnh lý có thể xuất hiện ở trẻ nhũ nhi. Nguyên nhân do sự nhạy cảm với protein có trong sữa bò hay đậu nành và thường xuất hiện sau khi bắt đầu sử dụng sữa công thức. Nó cũng có thể xảy ra ở trẻ nhũ nhi bú sữa mẹ như là một hậu quả của việc sử dụng sản phẩm sữa bò hoặc đậu nành từ người mẹ. Bất dung nạp protein thường khỏi khi trẻ được một tuổi.
Các triệu chứng bất dung nạp protein sữa bò hoặc đậu nành có thể bao gồm: ói, tiêu chảy, ngoài ra còn có trong phân có máu. Nếu như bác sĩ nhi sau khi khám bệnh nghi ngờ đến tình trạng bất dung nạp protein sữa bò hoặc đậu nành thì sẽ có chỉ định một chế độ ăn kiêng sữa.
Và một số nguyên nhân ít gặp .
•Bệnh lý viêm đường ruột (bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng) là một rối loạn mà trong đó các niêm mạc ruột bị viêm. Tình trạng viêm này dẫn đến triệu chứng như là phân có máu, tiêu chảy, biếng ăn và giảm cân.
• Tiêu chảy do viêm nhiễm là bệnh tiêu chảy gây ra bởi một loại virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng có thể gây nên tình trạng phân có máu ở trẻ mẫu giáo và trẻ độ tuổi đến trường. Tiêu chảy viêm nhiễm có thể hình thành như là hậu quả của việc ăn uống các loại thực phẩm bị ô nhiễm hoặc sau khi một đợt dùng thuốc kháng sinh. Các triệu chứng của bệnh tiêu chảy viêm nhiễm bao gồm: tiêu chảy có máu trong phân, sốt và đau bụng.
• Polyp nguyên phát tiến triển có thể xuất hiện trong độ tuổi từ hai đến tám tuổi. Triệu chứng thường gặp là chảy máu trực tràng không đau. Polyp nguyên phát tiến triển thường không phải là ung thư hoặc tiền ung thư, nhưng phải được đánh giá bởi nhà chuyên môn và thường thì được chỉ định cắt bỏ.
• Một số khác (những bệnh lý nghiêm trọng) bao gồm: lồng ruột (một dạng tắc nghẽn đường ruột), hay bệnh Hirschsprung (một dạng tắc nghẽn kết tràng hình thành trước khi sinh) cũng có thể gây nên tình trạng chảy máu trực tràng. Tắc nghẽn là một thuật ngữ y khoa dành cho một sự tắc nghẽn trong lòng ruột. Hầu hết các bệnh lý này xuất hiện đột ngột ở trẻ nhũ nhi hoặc trẻ nhỏ. Nếu trẻ đột nhiên xuất hiện đi tiêu phân có máu và trở nên lơ mơ, đau bụng, sốt hoặc các triệu chứng bất thường khác hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay lập tức.
Xét nghiệm
Thỉnh thoảng, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gây ra chảy máu bằng cách thăm khám hậu môn. Điều này có thể bao gồm cả việc thăm khám ngắn gọn bên trong hậu môn bằng cách sử dụng một ngón tay (thăm khám trực tràng). Bác sĩ cũng có thể cho làm xét nghiệm một mẫu phân để chắc chắn việc có hoặc không có máu trong phân. Những điều trên có thể được kiểm tra tất cả nếu thấy cần thiết. Nếu nguyên nhân của chảy máu không rõ ràng theo kết quả thăm khám trên thì việc làm thêm các xét nghiệm sâu hơn có thể được thực hiện.
Điều trị chảy máu trực tràng .
Như đã nói ở trên, có nhiều nguyên nhân gây nên trong tình trạng phân có máu. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân trong quá trình điều trị. Ngay cả khi trẻ bị chảy máu vi thể hoặc tự khỏi, trẻ cũng nên được đánh giá bởi bác sĩ nhi.
Đăng bởi: BS. Đặng Ngọc Thạch ( dịch từ nguồn Uptodate)
Các tin khác
Lập kế hoạch nếu Bạn bị dị ứng thức ăn 20/06/2018
Xử trí khi trẻ nhỏ bị tiêu chảy 08/04/2018
PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM DỊP LỄ TẾT 10/02/2018
Tìm hiểu về Salmonella 14/08/2016
Nhiễm khuẩn H.P (Helicobacter pylori) dạ dày 13/04/2015
Bảo đảm rằng trẻ được đủ nước. 06/12/2012
Tìm hiểu về mất nước ở người lớn. 06/06/2012