Bấm vào hình để xem kích thước thật

HỘi chứng lắc ở trẻ em - nguy hiểm nhưng dễ phòng ngừa

Ngày đăng:  11/01/2013

 
Lượt xem: 40408

Vài năm gần đây, các nước phương Tây nói nhiều về “Hội chứng lắc ở trẻ em”. Theo ước tính, ở Mỹ có khoảng 1000 – 1500 trẻ bị hội chứng này mổi năm và 25% số trẻ này tử vong vì những tổn thương do hội chứng này gây ra.

Vậy “Hội chứng lắc ở trẻ em” là gì? Đây là một hội chứng gây ra bởi tình trạng lắc quá mạnh ở trẻ nhỏ, dẫn đến chảy máu não và mắt, cuối cùng để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài như: mù, chậm phát triển trí tuệ, yếu liệt cơ, động kinh...và có thể tử vong. Bạn có thể tưởng tượng hội chứng này ở trẻ em tương tự như chấn thương sọ não do tai nạn xe ở người lớn!

 

Hội chứng lắc ở trẻ em thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 2 – 4 tháng tuổi, tuy nhiên hội chứng này cũng đã được ghi nhận xảy ra ở trẻ đến 5 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này thường là do rung lắc quá mạnh nhằm dỗ cho trẻ bớt khóc, thói quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ ngủ, hoặc những động tác đơn giản khi chơi đùa với trẻ như: nhồi, xốc, tung cao trẻ, bồng trẻ đưa lên đưa xuống nhanh, ẵm trẻ đưa lên cao làm máy bay... Trẻ nhỏ do não còn phát triển nên luôn có một khoảng trống giữa não và hộp sọ cộng thêm cổ còn yếu, khó giữ vững đầu nên khi bị rung lắc nhanh và mạnh sẽ gây nên những tổn thương cho não. Trẻ có thể bị nguy hiểm dù chỉ với 5 giây rung lắc.

 

Hội chứng này nguy hiểm và thường gặp nhưng lại rất khó để phát hiện vì những biểu hiện đa dạng và dễ nhầm lẫn trong những bệnh lý khác. Vì vậy quan trọng nhất là các biện pháp phòng ngừa để trẻ không bị hội chứng trên.

 

Dưới đây là một số gợi ý:

  • Không lắc trẻ kể cả khi vui đùa hay giận dữ
  • Khi di chuyển trẻ, giữ cổ ở tư thế cố định
  • Khi trẻ khóc nhiều, tìm nguyên nhân thường gặp như: trẻ đói – no, nóng – lạnh, mắc tiêu – tiểu, quần áo chật – đái ướt, buồn ngủ, bị đau do muỗi hay kiến cắn... khi đã kiểm tra hết mà trẻ vẫn khóc, bạn hãy đặt trẻ an toàn trong cũi, đi ra ngoài và quay lại kiểm tra sau 5 – 10 phút hoặc yêu cầu người khác giúp đỡ

Bạn hãy nhớ: khóc là một hoạt động bình thường ở trẻ, trẻ thường khóc nhiều hơn trong vài tháng đầu sau sanh nhưng tình trạng này sẽ cải thiện sau 4 tháng tuổi

  • Giáo dục người giữ trẻ, đừng bao giờ nóng giận và ru lắc trẻ mạnh

Hội chứng lắc ở trẻ em tuy nguy hiểm, phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được.

Đăng bởi: BS.Nguyễn Thị Minh; BS Lâm Trọng Nghĩa -Khoa NTH

[Trở về]

Các tin khác